Thời gian tới, các loại hình quảng cáo trên Internet sẽ vươn lên vị trí đứng thứ hai sau truyền hình và sẽ tiếp tục biến đổi - Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Khuynh hướng phát triển ngành truyền thông và quảng cáo VN và thế giới tại Hà Nội.
Tại cuộc hội thảo chuyên ngành quảng cáo do Hiệp hội quảng cáo VN (VAA), Viện nghiên cứu đào tạo quảng cáo VN (ARTI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức, nhiều dự báo, phân tích về sự đổi ngôi trong tỉ trọng thị phần ngành này cũng như những lời khuyên bổ ích dành cho các DN đã được các chuyên gia trong lĩnh vực này chia sẻ.
Ông Đỗ Kim Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội quảng cáo VN, Viện trưởng Viên nghiên cứu và đào tạo quảng cáo VN (ARTI) khẳng định: “Trong hai năm 2012, 2013 ngành quảng cáo báo giấy đã rớt xuống và đây là xu hướng của toàn cầu. Đầu năm 2012 doanh thu của nhiều đầu báo lớn trên toàn cầu đã giảm đáng kể. Điều này là không thể tránh khỏi, bởi báo giấy không có nhiều đổi mới để tạo nên sự hấp dẫn.
Trong khi đó vai trò cá nhân tiêu dùng lại đang đòi hỏi cần có sự tương tác, hấp dẫn sinh động. Và loại hình Internet đang phát triển để vươn lên chiếm vị trí của báo giấy, nó dần đáp ứng được những yêu cầu đó của người tiêu dùng. Quảng cáo trên Internet bao gồm nhiều loại hình chứ không chỉ là các banner, hay bài viết mà nó tích hợp nhiều loại hình khác.
Được biết, trong năm 2010, doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến VN đạt trên 25 triệu USD, chiếm khoảng 3,7% tổng ngân sách chi cho quảng cáo của toàn thị trường. Theo dự báo của các hãng nghiên cứu, dự kiến, đến hết năm 2013, thị trường quảng cáo trực tuyến VN đạt doanh thu trên 114 triệu USD. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng ngành quảng cáo Internet trên thế giới thị phần đã chiếm tới 19 - 20%, còn ở trong nước thì... chưa đo được.
Thị phần cũng chưa nhiều do có những đặc thù nhất định. “Theo cá nhân tôi thì hiện tại quảng cáo Internet ở VN chưa vượt qua được báo giấy song chúng ta cũng không tránh khỏi theo xu hướng trên toàn cầu. Rõ ràng người trẻ là người tiêu dùng nhiều nhất và họ sẵn sang chi tiêu cho loại hình này” - ông Dũng cảnh báo.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh thu quảng cáo năm 2012 đã giảm rất nhiều. Đây là hệ quả khi các DN giảm doanh thu, buộc họ phải cắt giảm chi phí quảng cáo cũng như một loạt chi phí khác để giảm gánh nặng. Ông Phan Lê Khôi - Phó chủ tịch IB Group cho biết: Nói về quảng cáo chúng ta phải nói đến chi phí. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chi phí cho quảng cáo là cực kỳ nan giải.
DN thường có một chiến dịch tiếp thị tổng thể, trong đó quảng cáo chỉ là một công cụ. DN nên tìm nhiều cách khác nhau để tiếp cận khách hàng thay vì chi phí quá lớn cho quảng cáo. Để làm được điều này, DN cần phải tìm hiểu xem người dùng, khách hàng muốn tiếp cận quảng cáo theo cách nào. Qua đó, DN sẽ đưa ra được một cách tiếp cận cụ thể, có thể qua các tổ chức khác nhau để đưa thông điệp của mình đến với khách hàng. Ông Khôi cũng cho rằng, hiện nay có rất nhiều công cụ để quảng cáo mà chi phí không cao nhưng lại có sức lan tỏa rất lớn như các trang mạng xã hội: facebook, zing...
Mặt khác, ông Khôi cũng chia sẻ, hiện tại đã có sự phân công chuyên môn hóa công việc trong xã hội. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, các DN phải có bộ phận chuyên trách đủ mạnh, có chuyên môn sâu về quảng cáo truyền thông mới nên tự làm các truyền thông cho mình. Bản thân các DN VN hiện nay chưa đầu tư thích đáng cho sáng tạo, khi không có hiểu biết cụ thể về quảng cáo, nếu quảng cáo không đúng chỗ, không đúng người, không đúng cách, không đúng kênh, không đúng thời điểm sẽ lãng phí kinh phí truyền thông mà không thu được hiệu quả nên cách an toàn là thông qua các đại lý truyền thông để dùng nguồn kinh phí truyền thông một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, các DN khi xây dựng các chiến lược truyền thông cần xây dựng cho mình một câu chuyện của thương hiệu để tạo ra sự thống nhất trong các chương trình truyền thông. Ngoài ra, chu kì từ 2 đến 3 năm, các DN nên làm mới thương hiệu của mình để tránh sự nhàm chán với khách hàng.
Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo ở VN, họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các DN quảng cáo nước ngoài thâm nhập vào VN. Tại sao họ lại thắng DN trong nước? Ông Phan Lê Khôi khẳng định: DN nước ngoài thắng DN trong nước bởi vì họ khác nhau về tư duy. Tư duy quảng cáo ở VN là thực hiện, còn tư duy quảng cáo của DN nước ngoài lại mang tính chiến lược.
Điểm yếu của các DN quảng cáo của VN là chưa quan tâm đầu tư vào sáng tạo, chủ yếu thực hiện theo ý tưởng và đặt hàng của khách hàng. Vì vậy, để miếng bánh trong thị trường truyền thông quảng cáo VN không rơi hết vào các tập đoàn, DN quảng cáo nước ngoài, DN hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo VN cần đầu tư đúng mức vào các hoạt động sáng tạo đồng thời cần hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn, nâng cao ý thức phục vụ khách hàng.
Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc truyền thông và quản lý thương hiệu Maritime Bank:
Quan trọng là khách hàng muốn gì
Năm nay, ngân sách truyền thông của Maritime Bank có điều chỉnh giảm. Lý do đầu tiên là vì so với các năm trước, đặc biệt là giai đoạn 2010 – 2011, Maritime Bank mới thay đổi bộ nhận diện thương hiệu nên cần đầu tư rất nhiều cho truyền thông thì tới thời điểm hiện tại, thương hiệu ngân hàng đã có vị thế khá vững vàng và theo khảo sát, đã đạt được độ nhận biết trong công chúng khá tốt.
Lý do thứ hai, quan trọng hơn là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, Maritime Bank điều chỉnh ngân sách để tập trung hơn cho việc đầu tư các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở vật chất, đào tạo, nghiên cứu sản phẩm… để đảm bảo ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và cung cấp đa dạng hơn các tiện ích phục vụ khách hàng. Mặc dù vẫn tiếp tục chọn các kênh quen thuộc như báo chí, truyền hình, internet… tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, Maritime Bank đặc biệt chú trọng kênh truyền thông nội bộ.
Chúng tôi quan niệm rằng CBNV chính là lực lượng truyền thông đông đảo và hiệu quả nếu chúng ta biết truyền đạt thông điệp đúng cách.
Tôi cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông trên internet là xu thế tất yếu do hệ quả của tốc độ phát triển công nghệ thông tin và thị hiếu cũng như thói quen tiếp cận thông tin của công chúng. Tuy nhiên, tỷ trọng giữa các kênh truyền thông mà DN lựa chọn còn phụ thuộc vào nhóm khách hàng mục tiêu cũng như sản phẩm, dịch vụ mà DN đó cung cấp.
Ông Lê Xuân Hoàn - Tổng giám đốc VN Tập đoàn Kangaroo:
DN phải biết kết hợp và linh hoạtSự phát triển mạnh mẽ của các hình thức truyền thông trên internet trong thời gian tới là sự dịch chuyển tất yếu và sẽ diễn ra rất nhanh với một đất nước có gần 1/3 dân số sử dụng internet như VN. Tuy nhiên xét về nhiều khía cạnh văn hóa, thói quen sinh hoạt và đối tượng người tiêu dùng thì trong thời gian tới, các kênh truyền thống sẽ vẫn có những ưu thế riêng của nó.
Việc cân nhắc sử dụng kênh truyền thông nào đối với từng DN sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nội sinh của các DN đó, như vậy mới mang lại hiệu quả truyền thông cho DN. Dựa trên các nghiên cứu sự dịch chuyển về xu hướng, thói quen tìm kiếm thông tin của các khách hàng mục tiêu, trong giai đoạn này, Kangaroo có những điều chỉnh các hoạt động truyền thông cho phù hợp. Về cơ bản, Kangaroo vẫn xác định truyền thông là một hoạt động cần thiết của mỗi DN, đặc biệt trong bối cảnh thị trường như hiện nay, DN “khỏe”, truyền thông đúng và trúng chính là điểm mấu chốt cho DN phát triển vững mạnh.
Kangaroo vẫn sử dụng các kênh truyền thông truyền thống bởi về cơ bản, các kênh này vẫn rất mạnh tại thị trường VN. Tuy nhiên, Kangaroo cũng đã sớm tiếp cận các kênh truyền thông hiện đại và mới tại Việt Nam. Việc kết hợp, sử dụng linh hoạt các kênh này giúp Kangaroo luôn giữ vững được vị thế của mình trong tâm trí khách hàng.
Xu hướng trong tương lai
Theo nghiên cứu của các Cty nghiên cứu thị trường, số liệu tăng trưởng quảng cáo toàn cầu năm 2012 là 4,7% (riêng Châu Á – TBD là 1,2%). Theo số liệu nghiên cứu của UNDP trong tài liệu thuyết trình về luật quảng cáo tổ chức vào tháng 1/2012, thị phần quảng cáo theo các phương tiện năm 2011 của Châu Á Thái Bình Dương là: TV 41%, internet 16%, ngoài trời 11%, tạp chí 5%, báo 23%, đài 4%. Con số này ở VN là: TV 78%, báo 11%, tạp chí 7%, ngoài trời 4%, internet 0%, phim 0% (con số quảng cáo trên internet và phim dù có nhưng không đáng kể).
Hiện nay, thị phần quảng cáo Internet trên thế giới đã chiếm tới 19-20%. Dự kiến trong năm nay và thời gian tới, các loại hình quảng cáo trên Internet sẽ vươn lên vị trí đứng thứ hai sau truyền hình và sẽ tiếp tục biến đổi. Nếu ngành quảng cáo báo giấy mà không có sự biến đổi thực sự thì sẽ không tránh khỏi xu hướng bị thay thế bởi loại hình Internet.
Dự đoán về mức tăng trưởng chung của ngành quảng cáo trong thời gian tới, ông Phan Lê Khôi – Phó chủ tịch IB Group cho rằng, sự tăng trưởng của ngành quảng cáo thế giới có thể lên đến 13% trong năm 2013, ở VN, con số này không dưới 6%.
thiết kế web bán hàng miễn phí